Open banking là gì? Xu hướng ngân hàng mở tại Việt Nam thời đại 4.0

Thời gian gần đây, đa số các ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai open banking giúp người dùng thuận tiện hơn. Vậy thực tế ngân hàng mở là gì, hoạt động như thế nào, lợi ích ra sao? Tại sao đây là xu hướng mới trong thị trường tài chính ngân hàng trong thời gian tới? Nếu bạn đang tìm hiểu vấn đề này, hãy cùng VPBank tham khảo các nội dung sau!


1. Ngân hàng mở là gì?

Ngân hàng mở (từ tiếng Anh là open banking) là thuật ngữ dùng để chỉ một mô hình tài chính - ngân hàng, trong đó, các dữ liệu được chia sẻ và trao đổi trong hệ sinh thái tài chính.

Thực tế, các ngân hàng sử dụng mô hình này như một trong những đòn bẩy trong quá trình chuyển đổi số của mình. Cũng như nhiều hệ thống hiện nay, khách hàng được đặt vào vị trí trung tâm để tăng cường trải nghiệm và tăng cường các dịch vụ đang cung cấp.


1.1 Các loại dữ liệu cung cấp

Tại các hệ thống này, ngân hàng có nhiều loại dữ liệu nhưng cho phép khách hàng truy cập 3 loại chính:

  • Dữ liệu dịch vụ chung bao gồm các thông tin liên quan đến sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng đang cung cấp. Một số dữ liệu này điển hình: lãi suất, phí, vị trí hệ thống phòng giao dịch, cây ATM,...

  • Dữ liệu khách hàng bao gồm các thông tin cá nhân của chủ tài khoản: họ tên, chi nhánh, loại tài khoản, loại tiền, ngày mở, ngày hết hạn,... Các dữ liệu này phục vụ nhu cầu quản trị và đăng ký tài khoản thuận tiện nhất.

  • Dữ liệu giao dịch bao gồm các số liệu và thông tin: người nhận tiền, ngân hàng nhận, số tài khoản nhận, số tiền, mã giao dịch, số dư,... khi chuyển khoản, thanh toán,...


Bạn có thể kiểm soát giao dịch thông qua hệ thống open banking


1.2 Các dịch vụ đang cung cấp

Hệ thống này đang được các ngân hàng triển khai với nhiều tiện ích và dịch vụ:

  • Dữ liệu thống nhất và trực quan qua các nền tảng: website, ứng dụng, internet banking, SMS banking,...

  • Quản lý tài khoản: khách hàng được chủ động nắm giữ, kiểm tra và thực hiện quản lý tài khoản của mình: mở, đóng tài khoản, xem thông tin và chủ động thông báo, chỉnh sửa thông tin chuẩn xác. 

  • Các dịch vụ tích hợp khác: thanh toán, gửi tiết kiệm online, tín dụng online, mua sắm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, đầu tư tài chính,... Các giao dịch thực hiện trực tiếp qua các kênh liên kết với ngân hàng hoặc các nguồn khác qua API.


1.3 Cách thức hoạt động

Các hệ thống ngân hàng mở hiện tại đang hoạt động dựa trên các API. Công nghệ này giúp kết nối các phần mềm với nhau để truyền tải dữ liệu đơn giản, tương tác chuẩn hóa. 

Theo đó, khi các API mở được đồng thuận sử dụng thì các bên liên quan: ngân hàng, chính phủ, cơ quan quản lý,... sẽ tiến hành phối hợp xây dựng. Sau đó, các doanh nghiệp xây dựng và sáng tạo sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và người dùng thuận tiện sử dụng. Kết quả của quá trình này chính là các hoạt động đạt tiêu chuẩn sau đây:

  • Thiết kế API theo nguyên tắc giải quyết các vấn đề về hiệu suất, khả năng mở rộng, sửa đổi, độ tin cậy và tính di động. 

  • Truyền và trao đổi dữ liệu với tốc độ nhanh nhưng cũng đảm bảo độ chính xác và an toàn.

  • Truy cập dữ liệu đáp ứng khả năng truy cập và kiểm soát dữ liệu của những đối tượng được cho phép: ngân hàng, nhà quản trị, người dùng,...


Hệ thống open banking hoạt động dựa trên công nghệ API với cấu trúc phức tạp


2. Lợi ích của ngân hàng mở

Cả khách hàng, ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ này đều nhận được những lợi ích thiết thực.


2.1 Lợi ích cho khách hàng sử dụng

Người dùng trực tiếp các sản phẩm dịch vụ trên hệ thống được nhận nhiều ưu điểm vượt trội:

  • Đa dạng lựa chọn về sản phẩm và ngân hàng cung cấp: Tham gia vào hệ thống ngày có rất nhiều ngân hàng. Điều đó cho phép người dùng lựa chọn đa dạng nhà cung cấp dịch vụ và cũng có cơ hội tìm thấy các giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu của bản thân tốt hơn.

  • Tối ưu hóa trải nghiệm: Hệ thống này tích hợp các dịch vụ thống nhất trên các nền tảng và trình duyệt. Qua đó, người dùng có cơ hội lựa chọn kênh sử dụng phù hợp, tiết kiệm thời gian và thoải mái nhất.

  • Tăng cường bảo mật: Sử dụng công nghệ API, các hệ thống này sẽ giới hạn về thời gian truy cập, phạm vi dữ liệu và khả năng thực hiện theo đối tượng. Vì vậy, các tài khoản được bảo vệ an toàn và quản lý hiệu quả hơn.


2.2 Lợi ích cho ngân hàng cung cấp

Các ngân hàng sử dụng hệ thống này cũng nhận được nhiều giá trị:

  • Đáp ứng yêu cầu của nhiều khách hàng tại nhiều thời điểm: Hệ thống này giúp ngân hàng hỗ trợ các dịch vụ cho khách hàng đa dạng tại nhiều khoảng thời gian trong ngày, không chỉ giờ giao dịch.

  • Gia tăng dữ liệu, nguồn thu khách hàng: Giúp khách hàng tăng cường trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ phong phú, ngân hàng sẽ có thêm cơ sở đánh giá nhu cầu tài chính tiềm ẩn của khách hàng. Đồng thời, số lượng dịch vụ cung cấp tăng lên giúp tăng nguồn thu cho ngân hàng.

  • Thúc đẩy hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ uy tín: Số lượng khách hàng có nhu cầu tài chính ngày càng tăng, yêu cầu ngân hàng hỗ trợ trên ngày càng nhiều nền tảng. Vì vậy, ngân hàng có cơ hội tìm hiểu và lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ Fintech phù hợp nhất.


Ngân hàng và các công ty công nghệ sẽ tăng cường hợp tác để phát triển hệ thống


2.3 Lợi ích cho bên thứ ba cung cấp dịch vụ

Còn các công ty cung cấp dịch vụ bên thứ ba cũng có khả năng nhận được nhiều lợi ích về lâu dài khi cộng tác với các ngân hàng, đặc biệt ngân hàng lớn:

  • Cơ hội phát triển khách hàng: Cung cấp dịch vụ cho ngân hàng, công ty có cơ hội tiếp cận hàng triệu, hàng tỷ khách hàng tiềm năng với lứa tuổi, ngành nghề, sở thích đa dạng. Qua đó, bạn có thể lựa chọn đối tượng khách hàng phù hợp để cung ứng dịch vụ riêng của mình.

  • Cơ hội phát triển dịch vụ: Cùng với tìm kiếm và lựa chọn khách hàng tiềm năng qua tệp dữ liệu ngân hàng đang cung cấp, công ty bạn có thể nghiên cứu và tạo ra các dịch vụ phù hợp với một nhóm khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp tiềm năng, thích hợp với khả năng của mình.


3. Tại sao ngân hàng mở lại là xu hướng?

Bên cạnh nhiều lợi ích, các hệ thống ngân hàng mở đang ngày càng được chú ý bởi những mục tiêu, nhu cầu phát triển thực sự kèm những điều kiện cần khắc phục để xây dựng, hoàn thiện hệ thống này.


3.1 Mục tiêu

Tất cả những điều cải tiến trong các ngân hàng đều hướng tới người sử dụng. Hệ thống này cũng không ngoại lệ vì các mục đích:

  • Hỗ trợ người dùng và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

  • Cải tiến dịch vụ và sản phẩm sâu sắc hơn, tốt hơn và phù hợp với nhu cầu người dùng thực tế.

  • Giao dịch liên ngân hàng an toàn hơn.

  • Sự kết hợp giữa các ngân hàng để tăng cường trải nghiệm dịch vụ khách hàng tốt hơn.


Open banking giúp tăng trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng


3.2 Điều kiện cần

Để triển khai thành công hệ thống này, các tổ chức thực hiện cần quan tâm đến các yếu tố cần thiết sau:

  • Chiến lược cạnh tranh: Các ngân hàng cần có chiến lược cạnh tranh để giành được vị thế tốt nhất trong thị trường và đặc biệt trước khách hàng tiềm năng.

  • Kho dữ liệu đầy đủ: Trong hệ thống open banking, dữ liệu là cốt lõi được phép truy cập tự do. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải cung cấp đầy đủ, hợp nhất giữa các nền tảng. Áp lực cung cấp dữ liệu buộc các ngân hàng lựa chọn cách thức truyền tải tốt nhất, phù hợp nhất và xây dựng kho dữ liệu đủ lớn.

  • Nhu cầu khách hàng được nắm bắt: Khi có đủ thông tin về nhu cầu khách hàng, ngân hàng sẽ đưa ra các lựa chọn tốt và đầy đủ. Thực tế, nhu cầu tài chính của khách hàng ngày càng cao nhưng cũng ngày càng đa dạng. Trong khi đó, tìm kiếm đầy đủ nhu cầu của khách hàng không đơn giản và không chỉ phụ thuộc vào dữ liệu thu thập qua hệ thống.

  • Công nghệ bảo mật đảm bảo: Cả khách hàng và các bên tham gia xây dựng đều mong muốn trải nghiệm và sở hữu hệ thống an toàn. Vì thế, công nghệ bảo mật hệ thống ngân hàng liên tục được nâng cấp và đầu tư nghiên cứu.

  • Khung pháp lý hỗ trợ hoàn thiện: Đây luôn là yếu tố quan trọng đối với các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng bởi hoạt động ngân hàng cần tính hợp pháp và cần sự chỉ đạo trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Điều này thể hiện quyền và trách nhiệm của các ngân hàng thành viên.


3.3 Thực trạng phát triển open banking tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để phục vụ quản lý hoạt động ngân hàng mở. Theo đó, các ngân hàng thương mại có cơ sở triển khai hệ thống phục vụ khách hàng tốt hơn.

Hiện nay, hệ thống này đã giúp các ngân hàng giải quyết nhiều bài toán dịch vụ tài chính và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn. Hiện nay, số lượng dịch vụ áp dụng ngày càng tăng. Rất nhiều ngân hàng: VPBank, Vietcombank, Nam Á Bank, BIDV,...

  • Ngân hàng TMCP Việt Nam phát triển mô hình open banking ngay trên VPBank NEO qua app, website, internet banking,... Đây là hệ thống ngân hàng số đầu tiên hỗ trợ phong phú từ đầu tư tài chính, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng kết hợp hệ thống dữ liệu thống nhất.

VPBank NEO - nền tảng ngân hàng số đem lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất hiện nay


  • Ngân hàng TMCP Nam Á cũng phát triển ngân hàng mở. Tuy nhiên, hệ thống này hiện tại chỉ hỗ trợ qua ứng dụng trên các thiết bị di động. Nam A Bank được xây dựng nhằm tăng trải nghiệm tối ưu và mới mẻ nhất cho người dùng với một loạt tiện ích.

  • Vietinbank iConnect được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phát triển với hơn 127 API kết hợp với hơn 73 đối tác trên nền tảng iConnect. 

  • Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam phát triển cổng thanh toán BIDV Paygate theo hướng open banking, cho phép kết nối gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ và trung gian thanh toán.


Dự kiến trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng số lượng API và phát triển công nghệ nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng ngày càng hoàn thiện. Điều này góp phần tiết kiệm chi phí nhân lực, thời gian, tài chính và tăng cường khả năng quản lý dòng tiền hiệu quả hơn. Chính vì những điều này, open banking đã và đang trở thành xu hướng phát triển của cả hệ thống tài chính trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm:


Đến đây, bạn đã hiểu ngân hàng mở là gì và tại sao hệ thống này đang trở thành xu hướng được các tổ chức đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Nếu bạn muốn nhận được trải nghiệm tốt nhất với hệ thống open banking hiện đại nhất, hãy đăng ký VPBank NEO ngay hôm nay!

(Thông tin trong bài viết được tham khảo từ tapchinganhang.gov và savis.vn) 


Đăng ký ngay
VPBank NEO

Có thể bạn quan tâm