Giảm phát là gì? Tình trạng này có thực sự tiêu cực hay không?

Lạm phát khiến nhiều người lo lắng vì đồng tiền mất giá. Vậy giảm phát thì sao? Người dân có được lợi hơn trong trường hợp này? Nếu bạn đang băn khoăn điều này, hãy tìm hiểu ngay các nội dung tiếp theo. Bạn sẽ biết thực chất giảm phát là gì, có ảnh hưởng thế nào đến bạn.


1. Giảm phát là gì?

Giảm phát (từ tiếng Anh là Deflation) là thuật ngữ kinh tế để chỉ sự giảm giá chung của hàng hóa dịch vụ. Hiểu đơn giản, lúc này tỷ lệ lạm phát đang âm, giá giỏ hàng thấp hơn so với thời điểm mốc.


Giảm phát có thể phát sinh trong dài hạn của nền kinh tế


Tương tự như lạm phát, giảm phát cũng là hiện tượng kinh tế phát sinh tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân. Hiện tượng này có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc dài. Tuy nhiên, đa số các nước gặp phải tình trạng giảm phát ít hơn so với lạm phát. Nhật Bản là một trong những quốc gia gặp phải tình trạng này liên tục trong vài thập niên gần đây.


2. Nguyên nhân gây giảm phát

4 nguyên nhân được cho là tạo ra giảm phát bao gồm:


2.1 Dòng tiền sụt giảm

Ngân hàng nhà nước/ Ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm điều phối lượng cung tiền trên toàn thị trường sao cho đạt mục tiêu tài chính đặt ra. Việc giảm lượng cung tiền trong nền kinh tế với động thái phát hành trái phiếu chính phủ, tăng lãi suất huy động để kiềm chế lạm phát. Cung tiền giảm kéo giá trị đồng tiền tăng lên. Khi giá trị 1 đồng tăng cao hơn, giá cả hàng hóa cũng bị kéo xuống. Người dân có xu hướng giữ tiền tiết kiệm hơn là chi tiêu. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm giảm sút dẫn tới hiện tượng giảm phát.


Cung tiền giảm có khả năng dẫn tới giảm phát

Xem thêm: Tín dụng là gì? Phân biệt các hình thức tín dụng phổ biến


2.2 Tổng cầu sụt giảm

Một số nguyên nhân khiến tổng cầu giảm: chính phủ cắt giảm chi tiêu, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm. Lúc này, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và chính phủ thường có động thái tăng lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ. Xu hướng tiết kiệm tăng khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, khả năng chi tiêu của nền kinh tế với các loại hàng hóa cũng giảm xuống. Điều này thúc đẩy giá cả bị đẩy xuống thấp hơn.


2.3 Năng suất tăng

Trong thời điểm khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận máy móc hiện đại hơn nên đẩy mạnh sản xuất, tối ưu chi phí tốt hơn, nâng cao sản lượng. Vì vậy, sản lượng sản xuất thực tế ngày càng tăng, chi phí ngày càng giảm, tạo điều kiện để giảm giá bán sản phẩm.


Năng suất tăng mạnh khiến giá hàng hóa giảm


2.4 Cấu trúc vốn các công ty thay đổi

Thời điểm hiện tại, mỗi loại hàng hóa đều có nhiều đơn vị cung cấp. Chính vì thế, các doanh nghiệp liên tục có các chương trình khuyến mại, giảm giá và tiếp cận cấu trúc vốn mới để thu hút người tiêu dùng và tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trực tiếp. Theo đó, giá cả sản phẩm có xu hướng giảm. Xu thế giảm giá liên tục trong một thời gian dài dẫn tới tình trạng giảm phát.


3. Tác động lợi và hại của giảm phát

Giảm phát là hiện tượng kinh tế tác động đến nhiều mặt của đời sống. Những lợi ích và hậu quả của hiện tượng này như sau:


3.1 Lợi ích

Người dân nhận được nhiều lợi ích khi sống trong nền kinh tế giảm phát:

  • Sản lượng tăng cao: Khi giảm phát xuất hiện do công nghệ phát triển tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, sản lượng sẽ tăng cao. Nền kinh tế có điều kiện tiếp cận lượng hàng hóa nhiều hơn. Qua đó, cơ hội lựa chọn và sử dụng hàng hóa chất lượng cũng cao hơn.

  • Nâng cao năng lực cạnh tranh: Đối với doanh nghiệp, giảm phát tạo môi trường kinh doanh tự do hơn, hạn chế độc quyền, lũng đoạn kinh tế. Các công ty hoạt động trong môi trường này cũng có cơ hội tối ưu các nguồn lực, từ đó nâng cao hiệu quả cạnh tranh.

  • Người tiêu dùng nhận được nguồn lợi lớn: Mức giá ngày càng giảm, người dân có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng cao hơn. Cùng một số tiền, người dân có sự lựa chọn đa dạng hơn.


Người dân nhận được nguồn lợi lớn khi mua sắm


3.2 Hậu quả

Bên cạnh một số điểm lợi, giảm phát thực sự là cơn ác mộng với nhiều nền kinh tế hiện nay. Chính phủ các nền kinh tế này đã và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn:

  • Hạn chế sản lượng sản xuất trong thời gian dài: Người dân nhận định giá cả những ngày sau sẽ giảm so với hôm nay. Thực vậy, trong nền kinh tế giảm phát, giá cả ngày càng giảm, doanh nghiệp không có động lực sản xuất. Trong dài hạn, sản lượng nền kinh tế có nguy cơ bị sụt giảm nghiêm trọng, bất chấp nhiều biện pháp cải thiện của chính phủ.

  • Tỷ lệ thất nghiệp cao: Sản lượng giảm dẫn tới tình hình sản xuất thu hẹp. Để đáp ứng nhu cầu hạn chế chi tiêu của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng thu hẹp về quy mô. Điều này dẫn tới dư thừa lao động, doanh nghiệp sa thải nhân công, tình trạng thất nghiệp tăng cao, tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế. 

  • Suy thoái kinh tế: Đồng tiền ngày càng có giá hơn, nhà đầu tư lựa chọn giữ tiền mà hạn chế đầu tư vào các kênh. Doanh nghiệp phải điều tiết để bù trừ thiệt hại do giảm phát. Người lao động không được tăng lương, thậm chí lương giảm. Khi giảm phát kéo dài, nền kinh tế bị trì trệ, tình trạng vỡ nợ, thất nghiệp, phá sản, giảm lợi nhuận, thậm chí là suy thoái kinh tế là những hậu quả mà giảm phát gây ra.


Doanh nghiệp và chính phủ đối mặt với hàng loạt nguy cơ kinh tế do giảm phát gây ra.


Giảm phát trong thời gian ngắn có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra trong thời gian dài khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực và sa sút nghiêm trọng.


4. Những cách hạn chế giảm phát 

So với các lợi ích, ảnh hưởng tiêu cực của giảm phát thực sự khiến nhiều chính phủ quan ngại hơn. Chính vì thế, nhiều nền kinh tế thực sự mong muốn hạn chế tình trạng giảm phát xảy ra. Và đây là một số biện pháp được các chính phủ áp dụng:

  • Tăng cung tiền: Lượng tiền trong nền kinh tế tăng tạo tín hiệu làm giảm giá trị của đồng tiền và gia tăng dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế. Qua đó, nhu cầu mua sắm tăng lên và xu hướng giữ tiền trong dân cũng giảm.

  • Giảm thuế: Một trong những cách để kích thích doanh nghiệp phát triển mạnh nhất chính là giảm thuế thu thực tế. Các sắc thuế được điều chỉnh giảm thường là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,... Qua đó, chính phủ giảm áp lực tài chính cho các công ty, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.

  • Điều chỉnh lãi suất phù hợp: Lãi suất thường được điều chỉnh linh hoạt để đạt mục tiêu duy trì vùng an toàn với tỷ lệ lạm phát dưới 10% nhưng không dưới mức 0. Lãi suất không chỉ giúp tăng dòng chảy tiền tệ mà còn giúp thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp.

  • Hỗ trợ các chính sách phát triển: Trong điều kiện kinh tế này, nhà nước thường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi: kích thích thị trường bằng các gói hỗ trợ, tăng chi tiêu công,...


Có thể bạn quan tâm:


Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu giảm phát là gì. Đây là một hiện tượng kinh tế đã và đang xảy ra ở nhiều nước khiến chính phủ đặc biệt quan tâm. Vì vậy, bạn hãy lưu ý tìm hiểu và ghi nhớ các thông tin trên đây. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin về các hiện tượng khác của nền kinh tế, hãy tham khảo ngay tại https://www.vpbank.com.vn/.

(Thông tin trong bài viết được tham khảo từ luatduonggia.vn, anfin.vn và wikipedia )


Đăng ký ngay
VPBank NEO