Trong đầu tư và quản lý doanh nghiệp, việc đọc hiểu và phân tích báo cáo vô cùng quan trọng. Hiện nay, bạn cần quan tâm rất nhiều báo cáo. Một trong số đó là báo cáo tài chính. Qua thông tin này, bạn sẽ nắm được tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Vậy bạn đã biết cách đọc báo cáo tài chính chưa? Nếu bạn đang tìm hiểu cách đọc và phân tích báo cáo này, hãy cùng VPBank tham khảo các nội dung sau đây!
Khi đọc báo cáo này, bạn cần lưu ý hiểu và phân tích các phần của báo cáo tài chính: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính. Ngoài ra, ý kiến của kiểm soát viên cũng cần được lưu ý.
Thực tế, các kiểm toán viên là người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực tài chính. Với phần này, bạn có thể xác định tính trung thực và một số vấn đề được bổ sung.
Ý kiến của kiểm toán viên đáng để bạn tham khảo
Thông thường, kiểm toán viên thường đưa ra 1 trong 4 ý kiến về độ tin cậy của một bộ báo cáo:
Chấp nhận toàn phần: Điều này thể hiện báo cáo phản ánh trung thực, hợp lý, đáng tin tưởng và không có sai sót.
Ngoại trừ: Khi thấy nhận xét này, kiểm toán viên không thể thu thập đủ dữ liệu hoặc một số thông tin tài chính về công ty không rõ ràng. Điều này có thể do công ty không tuân thủ các quy tắc đặt ra hoặc thiếu thông tin thuyết minh.
Không chấp nhận (hay trái ngược): Ý kiến này xuất hiện khi kiểm toán có nhận định khác nhau một phần so với thông tin trong bản báo cáo. Điều này được phát hành dựa trên cơ sở thu thập đầy đủ bằng chứng cho thấy báo cáo không trung thực hoặc không hợp lý.
Từ chối: Bên kiểm toán có thể từ chối đưa ra ý kiến khi không thể thu thập đủ bằng chứng để đưa ra ý kiến. Bởi nhiều vấn đề quan trọng có thể ảnh hưởng đến báo cáo tài chính mà kiểm toán viên không thể xác định kết quả.
Quá trình thực hiện đọc và phân tích bảng cân đối kế toán:
Bước 1: Liệt kê những mục lớn trong tài sản và nguồn vốn.
Bước 2: Tính toán các khoản mục trong tài sản và nguồn vốn, xem xét sự thay đổi của các khoản mục.
Bước 3: Lưu ý những khoản mục chiếm tỷ lệ lớn hoặc có biến động lớn về giá trị.
Hãy đọc kỹ bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp
Bảng cân đối kế toán là số liệu quan trọng làm cơ sở để phân tích tình hình của doanh nghiệp tại một thời điểm. Bảng này gồm tài sản, nguồn vốn.
Tài sản là những thứ có giá trị thuộc sở hữu của doanh nghiệp có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế. Tài sản có tài sản ngắn hạn và tài sản cố định.
+ Tài sản ngắn hạn bao gồm: tiền và tương đương tiền, các khoản phải thu, hàng tồn kho.
+ Tài sản dài hạn bao gồm: tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình.
Nguồn vốn là những giá trị tạo nên tài sản. Phần này bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
+ Vốn chủ sở hữu là những thứ thuộc chủ sở hữu tạo nên tài sản. Các khoản tạo nên mục này bao gồm: vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ của doanh nghiệp.
+ Nợ phải trả là những khoản tiền thuộc nghĩa vụ tài chính với bên ngoài, bao gồm các khoản phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp, phải trả người lao động, các khoản vay và nợ ngắn hạn/ dài hạn.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản bằng tổng nguồn vốn.
Tỷ lệ tài sản ngắn hạn so với tổng tài sản thể hiện mức độ đầu tư của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào ngành nghề mà tỷ lệ này có khác nhau. Đặc biệt, hàng tồn kho và các khoản phải thu cần phải lưu ý thể hiện tình hình hoạt động kinh doanh.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản thể hiện mức độ an toàn của doanh nghiệp. Một số ngành nghề đặc biệt như ngân hàng, hợp tác xã tín dụng,... thường có tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp. Tuy nhiên, các ngành nghề khác có tỷ lệ vốn chủ sở hữu quá thấp thể hiện sự rủi ro của doanh nghiệp khá cao. Bên cạnh đó, các khoản vay liên quan đến chi phí tài chính của doanh nghiệp, khi tăng cao gây áp lực trả nợ lớn.
Quy trình đọc và phân tích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh:
Bước 1: Tách riêng chi phí và doanh thu.
Bước 2: Tính toán tỷ trọng từng khoản doanh thu trong tổng doanh thu và tỷ trọng từng chi phí trong tổng chi phí.
Bước 3: Xem xét các sự thay đổi của từng khoản và tìm hiểu nguyên nhân.
Đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, xác định tình trạng lãi lỗ và nhiều vấn đề khác
Như tên gọi, bảng này thể hiện kết quả hoạt động kinh doanh tính đến thời điểm ghi nhận. Các khoản được ghi nhận trên bảng này bao gồm: doanh thu, chi phí, lợi nhuận và thuế phải nộp.
Đặc biệt, các khoản này được tính lần lượt theo hoạt động kinh doanh chính, hoạt động tài chính và hoạt động khác.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh được tính trên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính.
Lợi nhuận trước thuế sẽ được tính bằng tổng của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận khác.
Lợi nhuận trước thuế loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, bạn sẽ có lợi nhuận sau thuế.
Thông thường, lợi nhuận khác không cao hơn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vì doanh thu khác và chi phí khác phát sinh chủ yếu trên các hoạt động bất thường: thanh lý tài sản, bồi thường hợp đồng,... Vì vậy, nếu trường hợp này xảy ra, bạn nên kiểm tra nguyên nhân cụ thể.
Khi doanh thu hoặc chi phí hoạt động kinh doanh biến động, bạn cần xem xét, nắm rõ lý do. Bất kỳ sự biến động nào trong doanh thu, chi phí, giá vốn đều cần có nguyên nhân rõ ràng và đưa ra hướng điều chỉnh cần thiết.
Các bước đọc và tìm hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Bước 1: Xem xét các khoản thu chi từng hạng mục.
Bước 2: Tính tỷ trọng và sự thay đổi của các khoản thu chi từng hoạt động.
Bước 3: Kiểm tra nguyên nhân của sự thay đổi và phân tích, nhận định dựa trên các dữ liệu thu được.
Thu chi được tổng hợp trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện tình hình thu chi thực tế của doanh nghiệp trong kỳ, vòng quay luân chuyển vốn. Các hoạt động của dòng tiền được ghi nhận theo hoạt động phát sinh:
Nhóm 1: Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh phát sinh trong quá trình cung cấp hàng hóa dịch vụ. Đối tượng liên quan bao gồm: khách hàng, nhà cung cấp, người lao động, nhà nước,...
Nhóm 2: Dòng tiền từ hoạt động đầu tư phát sinh liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý tài sản cố định và tài sản dài hạn.
Nhóm 3: Dòng tiền từ hoạt động tài chính phát sinh liên quan đến sự tăng giảm vốn chủ sở hữu và các khoản vay nợ.
Đối với mỗi doanh nghiệp, dòng tiền nhóm 2 và 3 nếu tăng ở kỳ hiện tại thì sẽ giảm ở kỳ tương lai và ngược lại. Tài sản có mua mới thì có lúc phải bán, thanh lý. Khoản nợ có vay thì cũng phải trả cả gốc và lãi.
Chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm nhất là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bởi nó thể hiện sự hiệu quả thực tế. Đây cũng là dòng tiền giúp doanh nghiệp được đánh giá cao nếu có sự tăng trưởng đều đặn.
Các khoản tiền và tương đương tiền cuối kỳ có thể giảm và được đánh giá tốt nếu các khoản vay giảm hoặc chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Điều này thể hiện doanh nghiệp có lượng tiền ổn định và tài chính vững, đủ khả năng để trả nợ và trả cổ tức cho cổ đông.
Để tìm hiểu thuyết minh báo cáo tài chính, bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Tìm hiểu doanh nghiệp về ngành nghề hoạt động, đặc điểm, kỳ kế toán, chuẩn mực và chính sách kế toán đang áp dụng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc phần thuyết minh báo cáo. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến đặc điểm riêng của doanh nghiệp cần lưu ý kỹ để xác định vấn đề.
Bước 2: Xem thuyết minh về các khoản mục trên bộ báo cáo tài chính, đặc biệt lưu ý các khoản mục phát sinh thay đổi.
Bước 3: Kiểm tra lại các thông tin thông qua nhiều nguồn để đối chiếu và có cơ sở đánh giá chính xác hơn.
Đọc thuyết minh báo cáo tài chính giúp hiểu rõ hơn tình trạng doanh nghiệp
Thuyết minh báo cáo tài chính giúp diễn giải các hạng mục và thông tin trong các phần còn lại của báo cáo. Vì vậy, khi kiểm tra, bạn nên đối chiếu với các thông tin đã được đề cập.
Mỗi doanh nghiệp có đặc điểm khác nhau nên thuyết minh báo cáo tài chính cũng mang nét đặc trưng riêng. Bạn cần am hiểu ngành nghề và doanh nghiệp để có đánh giá khách quan.
Đọc hiểu, phân tích báo cáo tài chính đúng cách giúp bạn có hiểu biết đúng đắn về doanh nghiệp đó. Ngoài ra, với mỗi đối tượng khác nhau, việc đọc báo cáo có ý nghĩa riêng:
Chủ doanh nghiệp: Báo cáo tài chính giúp chủ doanh nghiệp nắm được tình hình của công ty. Qua đó, bạn sẽ xác định được vấn đề đang gặp phải, điểm mạnh, điểm yếu và tìm biện pháp khắc phục, quản lý tốt hơn.
Ngân hàng: Các tổ chức tài chính và ngân hàng thường hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Nắm được tình hình tài chính công ty, ngân hàng có cơ sở quyết định khoản vay đúng đắn nhất.
Nhà đầu tư: Với cương vị là một nhà đầu tư, bạn nên tìm hiểu doanh nghiệp muốn đầu tư để xác định mức độ rủi ro, tỷ suất sinh lời. Qua đó, bạn sẽ có quyết định đầu tư phù hợp hơn.
Nhà nước: Các cơ quan chức năng đọc báo cáo tài chính để đánh giá rủi ro, ngăn chặn sai phạm và đưa ra hướng quản lý tốt hơn. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế hiện nay, trường hợp nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Thông qua báo cáo này, nhà nước cũng có biện pháp hỗ trợ các công ty tùy theo lĩnh vực, quy mô tốt hơn.
Nhà nước giám sát và quản lý doanh nghiệp qua báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là thông tin quan trọng nên cần được xem xét kỹ. Khi đọc, bạn cần phân tích, thậm chí kiểm tra lại thông tin. Chính vì vậy, VPBank lưu ý bạn một số điểm sau:
Tìm hiểu kỹ doanh nghiệp và đánh giá hoạt động thực tế.
Phân tích các chỉ số để dự báo tình hình doanh nghiệp hiện tại và tương lai.
So sánh các chỉ số với kỳ trước, với doanh nghiệp cùng ngành, trung bình ngành để có cơ sở đánh giá khách quan hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Hạn mức tín dụng là gì? Cách giúp bạn nâng cao hạn mức tín dụng
Top ngân hàng giúp bạn vay tiền trả góp theo tháng chỉ cần CMND
Có nên mở nhiều thẻ ngân hàng cùng lúc không? Cùng tìm câu trả lời
Bạn vừa cùng VPBank tìm hiểu về cách đọc báo cáo tài chính và các vấn đề cần lưu ý. Dù với cương vị nào, bạn hãy ghi nhớ những điểm này để có lựa chọn đúng đắn nhất cho mình.
Ngành tài chính, ngân hàng đã và đang trong quá trình phát triển nhanh chóng. Cùng điểm qua top 10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam trong năm 2024.