Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Ba3, triển vọng ổn định cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong kỳ đánh giá mới nhất.
Như vậy, mức xếp hạng Ba3 được Moody’s tiếp tục duy trì cho VPBank từ lần thăng hạng hồi tháng 7 năm ngoái, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới và Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Trong báo cáo xếp hạng lần này, Moody’s đánh giá cao thương vụ bán 15% cổ phần của VPBank cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản), qua đó nâng tỷ lệ an toàn vốn lên mức gần 19%, cao nhất trong các ngân hàng Moody’s xếp hạng tại Việt Nam.
“Lợi nhuận của VPBank luôn nằm trong top dẫn đầu toàn ngành và đây được coi là thế mạnh của ngân hàng trong hồ sơ xếp hạng tín nhiệm,” Moody’s viết trong báo cáo.
Trong khi đó, năng lực huy động và thanh khoản của ngân hàng được nhận định ở mức cân bằng trong tình hình hiện tại, đủ khả năng hỗ trợ ngân hàng vượt qua những thời điểm khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Quy mô vốn chủ sở hữu của VPBank sau đợt bán vốn cho SMBC sẽ tăng lên gần 140.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trên toàn hệ thống. Vốn điều lệ của VPBank, tại thời điểm cuối năm 2022, đạt hơn 67.000 tỷ, trong khi giá trị vốn hóa của ngân hàng đã cán mốc 120.000 tỷ, giữ vững vị trí ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa lớn nhất Việt Nam.
Kết thúc năm 2022, VPBank ghi nhận huy động từ tiền gửi khách hàng tại ngân hàng riêng lẻ tăng gần 30% so với cuối năm 2021.Uy tín của VPBank trên trường quốc tế đã giúp ngân hàng huy động thành công hơn 1 tỷ USD từ các tổ chức tài chính toàn cầu, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn cho vay trung và dài hạn và bảo toàn các tỷ lệ an toàn thanh khoản. Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất theo Basel II đạt gần 15%, nằm trong top dẫn đầu thị trường.
Nhờ các nỗ lực gia cố nền tảng vốn và tăng cường huy động trong năm 2022, VPBank ghi nhận tín dụng tăng trưởng vượt trội, đạt gần 31% tại ngân hàng mẹ, đảm bảo cung ứng nguồn vốn cần thiết cho thị trường.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong năm 2022 tăng 48% so với năm trước. Các chỉ số hiệu quả như chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3,7%, 25,6% và 19,3%, nằm trong top dẫn đầu thị trường.
Chỉ trong vòng 1 năm, giá trị thương hiệu của VPBank đã tăng gần gấp rưỡi, trị giá gần 1,3 tỷ USD, đưa ngân hàng này lên vị trí 173 trong bảng xếp hạng 500 các thương hiệu ngân hàng có giá trị lớn nhất toàn cầu.
Nhân dịp sinh nhật 30 tuổi, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đón nhận nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, khẳng định vị thế nhà băng hàng đầu chuyển đổi số, tạo hệ sinh thái số toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng.
Với mục tiêu thấu hiểu và cung cấp được giải pháp dịch vụ hiệu quả tới từng khách hàng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục khẳng định giá trị cốt lõi “Khách hàng là trọng tâm” bằng việc áp dụng những công nghệ tiên phong trong sản phẩm, dịch vụ, mang đến trải nghiệm khách hàng tốt nhất.
VPBank vừa vinh dự trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được Celent - Công ty Nghiên cứu và Tư vấn cho ngành Công nghiệp dịch vụ tài chính toàn cầu - lựa chọn trao giải “Model Risk Manager” (Đơn vị Quản trị rủi ro kiểu mẫu) nhờ triển khai thành công mô hình chuyển đổi số trên hệ thống Kinh doanh sản phẩm Thị trường Tài chính (Kondor Treasury).